Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

vài ý kiến về "hồi kí của một giám mục tập 3"

Tôi là người học sử, đứng trên lập trường khoa học mà nói, hồi kí là một dạng quan trọng của sử liệu. tất nhiên, độ chính xác hay tính đúng sai còn phụ thuộc vào trình độ người viết,và khả năng phê phán sử liệu của người tiếp cận chúng. 

Hồi kí mang trong nó hai nhiệm vụ chính, thứ nhất nó là phương tiện cho người viết thể hiện mình, bày tỏ nỗi niềm,thậm chí có thể dùng từ nặng nề hơn là biện minh. Tất nhiên, tôi không dám gán ghép bất kì cuốn sách nào mình đọc vào dạng này,cái đó còn tùy độc giả,nhưng chắc chắn có, hẳn nhiên là có. Trong một lần nói chuyện với thầy tôi ở đại học, thầy bảo thẳng thừng "ấy đấy, trận thành cổ Quảng Trị, mỗi ngày quân ta chết một đại đội (trên dưới 100 người) phải nói các bố nhà mình đánh quá kém, thế mà viết vào hồi kí,như thể ta giỏi lắm đây". Đấy là còn chưa kể đến chuyện, mượn tay bút người khác viết hồi kí cho mình vì mục đích chính trị (mời đọc hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh- phần Tố Hữu, và hồi kí Đèn Cù, Trần Đĩnh...)

Trên quan điểm người viết thì là như vậy, còn nơi người đọc hồi kí lại mang nhiệm vụ thứ hai, đó là chuyển tải thông tin sử liệu quan trọng, nội dung hồi kí có thể sai, nhưng vẫn cung cấp cho độc giả thông tin nào đó. Ví dụ, khi nhắc đến tiểu sử ông Hồ Chí Minh, có hay không chuyện ông ấy có hai vợ? Nếu thực tế ngược lại với sách vở, người tư duy lịch sử sẽ lập tức lật lại vấn đề,và có thể dễ dàng đưa đến một vài kết luận kiểu như " chế độ đó sùng bái và tuyệt đối hóa lãnh tụ", tức là cái đích đến không nằm nơi cuốn hồi kí, mà nằm nơi sự thật lịch sử.


bìa ngoài tập ba cuốn hồi kí của đức cha Phao Lô Lê Đắc Trọng.
Đọc hồi kí của đức cha Phao Lô cách nay 3 năm, lúc đầu còn là bản thảo trên mạng, sau đó qua một số nguồn, tôi có trong tay sách in. Sở dĩ tôi chọn tập ba để bàn luận vì nội dung của nó đề cập đến một loạt các vấn đề tôi quan tâm và có chút kiến thức như (cải cách ruộng đất, biến cố di cư...). 
Gía trị của cuốn hồi kí đã được một số báo nước ngoài khai thác và đăng lại nhiều lần, cá nhân tôi nhận xét, cuốn hồi kí mang trong nó giá trị to lớn về mặt tư liệu và nhận thức lịch sử,cách diễn giải, quan điểm xã hội...
Nhưng trên phương diện khoa học,với tư cách là người học sử và làm sử,tôi vẫn phải mổ xẻ nó ra, thường bị gọi là "bới lông tìm vết" để nói lên một số chỗ chưa thật hài lòng của mình về cuốn hồi kí. Tất nhiên trong tinh thần xây dựng và dựa trên lập luận khoa học,cũng chẳng dám mong vài lời dông dài viết ra được đón nhận.

Trước hết, hồi kí thường phải được đặt trong một chuỗi thời gian nhất định, đó có thể là hồi tưởng từ hiện tại đến quá khứ,nhưng tuyệt nhiên không lộn xộn,bởi hồi kí trở nên lộn xộn thì tư liệu được ghi chép lại rất khó có sự liên kết và móc nối với nhau, Ngay khi đọc tập 3 hồi kí, khó hình dung và xếp loại cho cuốn hồi kí này, đó là cuốn hồi kí về lịch sử địa phận Hà Nội? hay cuốn hồi kí về chính trị? Một cuốn hồi kí về tôn giáo? 



Không lẽ gì lại đưa chuyện thánh Ven và đại hội thanh niên công giáo Đông Dương vào ngay phần đầu tác phẩm, mà càng đọc về sau ta càng liên tưởng đến vô vàn chuyện chính trị, để đến gần cuối, khi viết về hội đồng giám mục đó gần như là cuốn hồi kí của "đạo công giáo". Cũng vậy,độc giả thật khó chịu khi biến cố di cư qua cuộc nói chuyện với đức cha Cương và cảnh phiêu bạt của các cha xứ lại được ghi chép sau sự kiện giáng sinh 1963? Không biết sau khi biên tập bản thảo, người biên tập có thay đổi vị trí các phần hay không, nhưng rõ ràng trong tương quan thời gian và bối cảnh, các tư liệu lịch sử đã bị sắp xếp một cách lộn xộn.
Thứ hai, đức cha Phao Lô là một giám mục, một số tư liệu được ghi lại dưới nhãn quan của ngài có thể chưa thật thuyết phục. Ví dụ, chuyện nhận định Pháp và Việt Minh chưa ai thắng ai đều đi đến hội nghị Gionevo và hội nghị kết thúc 20-7-1954, có thể coi là cái nhìn chưa đúng. Trên thực tế, bản thân Việt Minh giành phần thắng cơ bản, nhưng chuyện giải phóng toàn bộ lãnh thổ còn bị chi phối bởi Liên Xô ,Trung Quốc với Hoa Kì nên không thể nói vì hòa Pháp mà hai bên cùng đi đến gionevo trong tình trạng chưa ai thắng. Hay như chuyện "có trời mà tin" khi đức cha bàn về việc Pháp ra Hà Nội thay quân Tưởng giải giáp quân đội Nhật, ngài trung thực ghi lại dư luận dân chúng, nhưng kết luận thiếu khách quan khi chỉ trích "ông ta đi với ông tây" bởi thực tế chính phủ Việt Minh "không còn giải pháp nào hơn".
Thứ ba, trong làm sử điều đáng sợ hơn cả là đưa ra kết luận, dân gian thường có câu nhìn vậy mà không phải vậy, thế nhưng bắt gặp một số chỗ trong hồi kí đưa đến kết luận vội vàng và như "định hướng" người đọc có chủ ý. Chuyện tranh cãi trong hội đồng giám mục Việt Nam, hay như chuyện kết luận một số giám mục miền nam sau 1975 "lo bảo vệ vinh quang, hầu hết nhút nhát sợ sệt" thầm mơ ước chuyển vào vị trí cao sang. Nếu như tác giả hồi kí biết được một vài thông tin sau 1975, các giám mục miền nam sợ vị trí lãnh đạo giáo hội vào tay miền bắc- sống lâu năm dưới chế độ cộng sản, sợ một giáo hội quốc doanh, nên mới bàn nhau nắm vị thế cho kì được nhằm bảo vệ sự độc lập cho giáo hội thì kết luận của tác giả đã khác.
Cũng một chuyện, khi người cháu của ngài đọc được bản dịch cuốn dogme du communisme, và ngài cho rằng nó sợ hãi quá bỏ đi nam sau đó làm cho độc giả cảm giác chưa thật sự tin tưởng,và có cảm giác buồn cười. lẽ tất nhiên hồi kí viết ra trong dòng suy tưởng, theo ý nghĩ chứ không phải là lập luận gì đó quá cao siêu để không bị bắt bẻ, nhưng nhận định thì từ trong suy nghĩ cũng phải chính xác, bởi nhận thức quyết định hành động.

Một vài những đánh giá, bình luận mang tính chủ quan của cá nhân về một trong nhiều nội dung cuốn hồi kí đề cập đến, có lẽ thành công nhất của tác giả viết hồi kí là sử dụng được giọng văn cùng lối kể trung dung, không phê phán quá gay gắt nặng nề ai, không đề cao cá nhân, cá nhân trong hồi kí chỉ xuất hiện đơn giản như một nhân vật, rất lặng lẽ rồi mất hút nhẹ nhàng, đúng như lời tựa "nhẹ nhàng mà sâu lắng, âm thầm mà mãnh liệt, thoang thoảng mà thấm sâu, dù xa ta cũng khó mà quên được ngài"


                                                                                                     Thái Bình, 13-7-2017
                                                                                                        tác giả: Vũ Văn Vụ